Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

CÂY LÁ TIẾT DÊ - 錫生藤 (锡生藤)

Còn gọi là cây mối tròn, cây mối nám.

Tên khoa học Cissampelos pareira L. (Cissampelos convolvulacea Willd.).

Thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae).

cây lá tiết dê, 錫生藤, 锡生藤, cây mối tròn, cây mối nám, Cissampelos pareira L., Cissampelos convolvulacea Willd., họ Tiết dê, Menispermaceae

Cây lá tiết dê - Cissampelos pareira

A. MÔ TẢ CÂY

Tiết dê là một loại dây leo, thân và cành đều mang ít nhiều lông mịn. Lá hình tim, có khi mép hơi khía tai bèo, thường mềm, dài 2-5cm, rộng 3-6cm, có 5 gân chính, 2 mặt đều có lông mịn. Cụm hoa đực mọc thành ngù lưỡng phân, có cuống, mọc đơn độc hay từng đôi ở kẽ các lá bắc hình lá. Cụm hoa cái mọc thành xim lưỡng phân, gần như không cuống ở kẽ các lá bắc hình thận hay hình tròn, nhỏ, mọc mau. Quả hạch hình cầu, dẹt, đường kính 5mm và có sẹo của vòi ở gốc, màu đỏ có lông. Hạch hình móng ngựa, giữa rỗng, có những mấu sần sùi, nhân có phôi nhũ và phôi cùng dạng.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây tiết dê mọc hoang ở khắp nơi đồng bằng cũng như rừng núi trong toàn nước ta. Còn thấy mọc ở Ấn Độ, đảo Mactinic, phía đông châu Phi.

Nhân dân thường hay dùng lá tươi, hầu như quanh năm, giã nát hay vò nát, lọc lấy nước để đông đặc như thạch, uống cho mát, giải nhiệt.

Một số nơi còn dùng rễ hái quanh năm về phơi khô hay sao vàng sắc uống.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong lá tiết dê có một chất nhầy, chưa thấy được nghiên cứu.

Trong rễ Fluckiger đã chiết được một ancaloit có vị đắng gọi là cisampelin hay pelosin với tỷ lệ 0,5%. Chất này giống becberin, có công thức C19H20N2O3. Cisampelit tan trong dung dịch no axit clohyđric, bị kết tủa bởi muối amon, kali nitrat, kali iođua.

Ngoài ra Fluckiger còn lấy ra được một chất nữa, trung tính, kết tinh thành hình phiến nhỏ gọi là deyamitin. Khi trộn tinh thể deyamitin với axit sunfuric ta sẽ thấy màu xanh thẫm sau chuyển màu xanh lục, cuối cùng sang màu đỏ rồi mất dần.

Năm 1952, Bhattacharji S., Sharma V. N. và Dhar M. D. (J. Sci. Industr. Res. India) đã báo cáo chiết được từ rễ cây tiết dê một chất ancaloit gọi là hayatin và một ancaloit nữa gọi là hayatinin, ngoài ra còn chiết được quexitol và một sterol.

Cùng trong năm 1952, các tác giả Ấn Độ khác Rey P. K., Dutta A. T., Ray G. K. và Makerji (Indian J. Med. Res) đã nghiên cứu tác dụng dược lý của toàn bộ những ancaloit chiết được từ rễ cây tiết dê đối với chuột nhỏ thì thấy các ancaloit đó độc với liều 50mg trên 1kg thể trọng. Nó gây dãn các cơ trơn và kích thích các trung tâm của tủy sống.

Cuối cùng các tác giả Pradhan S. N., Roy C. và Varadan K. S. (Ind. Curr. Sci. 21 (6): 172) đã nghiên cứu tính chất curarơ của muối clohydrat, muối methoclorua và muối methoiođua của hayatin.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Ở nước ta, lá tiết dê là một vị thuốc kinh nghiệm nhân dân rất phổ biến để chữa những trường hợp đi tiểu tiện khó khăn, sốt, lỵ. Nói chung người ta cho rằng lá tiết dê là một vị thuốc "mát" có tác dụng chữa những trường hợp "nóng" như sốt, nóng, táo bón, tiểu tiện khó khăn đau buốt, ra máu.

Hiện nay tại Ấn Độ người ta dùng chữa những trường hợp sỏi thận và sỏi bọng đái, viêm bọng đái cấp tính và trường diễn, viêm thận.

Tại Ấn Độ rễ cây tiết dê được coi là một vị thuốc có tác dụng giúp sự tiêu hóa, thuốc bổ đắng, thông tiểu tiện, chữa sỏi mật.

Rễ hay lá còn được dùng giã nát đắp lên các vết loét.

Ngày dùng: Rễ 5-10g dưới dạng thuốc sắc. Lá thường dùng tươi giã nát vắt lấy nước để đông lại mà uống, ngày 40-100g lá tươi.

Tại đông châu Phi người ta dùng rễ làm thuốc kích thích tình dục, chữa tê thấp, đau bụng (theo Bally P. R. O. - Native medicinal and poisonous Kew Bull. 1967: 11). Tại đảo Mactinic, lá và quả dùng duốc cá.

Đơn thuốc có lá và rễ tiết dê:

    (1) Chữa tiểu tiện khó khăn, sốt, lỵ: Lá tiết dê tươi 50g, vò nát hay giã nhỏ, thêm ít nước chín nguội, vắt lấy nước, để một chốc cho đông lại, có thể thêm đường cho dễ uống.

    (2) Chữa chậm tiêu, đau bụng: Rễ tiết dê 4 phần, hạt tiêu 5 phần, gừng 6 phần; tất cả trộn đều, thêm mật vào nhào thành bột nhão, viên thành viên; ngày uống 0,20-0,30g thuốc này.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Chùa dù
23/04/2025 10:58 CH

- 四方蒿. Còn gọi là tả hoàng đồ (Lào cai) Dê sua tùa. Tên khoa học Elsholtzia blanda Benth., E. penduliflora W. Smith. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Cây mào gà trắng - 青葙. Còn có tên bông mồng gà trắng, đuôi lươn, dã kê quan, thanh tương tử. Tên khoa học Celosia argentea L. (C.linearis Sw.). Thuộc họ Dền (Amaranthaceae). Ta dùng vị thanh tương tử (Semen Celosiae) là hạt chín phơi hay sấy khô của cây mào gà trắng.
Cây me rừng - 餘甘子 (余甘子). Còn gọi là du cam tử, ngưu cam tử, dư cam tử. Tên khoa học Phyllantus emblica Linn. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Cây mỏ quạ - 穿破石. Còn gọi là hoàng lồ, vàng lồ, xuyên phá thạch. Tên khoa học Cudrania tricuspidata (Carr.) Bur. Thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
Cây một lá - 毛唇芋蘭 (毛唇芋兰). Còn gọi là chân trâu diệp, thanh thiên quỳ, Slam lài, bâu thoọc, kíp lầu (Quảng Hoa-Cao Bằng). Tên khoa học Nervilis fordii (Hance) Schultze. Thuộc họ Lan (Orchidaceae). Ta dùng lá hay toàn cây phơi hoặc sấy khô của cây một lá hay thanh thiên quỳ.
Cây mướp sát - 海杧果. Còn gọi là sơn dương tử, hải qua tử, da krapur (Campuchia). Tên khoa học Cerbera odollam Gaertn, (Cerbera manghas L., Tanghinia odollam G. Don). Thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae).
Cây nghể - 水蓼. Còn có tên là thủy liễu, rau nghể. Tên khoa học Polygonum hydropiper L. Persicaria hydropiper (L.) Spoch. Thuộc họ Rau răm (Polydonaceae). Nghể (Herba Polygoni hydropiperis) là toàn cây phơi hay sấy khô của cây nghể (Polygonum hydropiper L.).
Cây ngọt nghẹo - 嘉蘭 (嘉兰). Còn gọi là roi, cỏ củ nhú nhoái, vinh quang rực rỡ, phan ma ha (Lào), var sleng đông đang (Cămpuchia)... Tên khoa học Gloriosa superba L. (G.simplex Don.). Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Cây ngọt nghẹo là một nguồn conchixin ở nước ta và những nước nhiệt đới khác, đồng thời là một cây làm cảnh vì hoa rất đẹp.
Cây ngưu tất - 牛膝. Còn có tên là cây cỏ xước, hoài ngưu tất. Tên khoa học Achyranthes bidentata Blume. Thuộc họ Dền (Amaranthaceae). Ta dùng rễ phơi hay sấy khô - Radix Achyranthis bidentatac - của cây ngưu tất. Sách cổ nói: Vị thuốc giống đầu gối con trâu lên gọi là ngưu tất ("ngưu" là trâu, "tất" là đầu gối).
Cây nhàu - 海濱木巴戟 (海滨木巴戟). Còn có tên cây ngao, nhầu núi, giầu. Tên khoa học Morinda citrifolia L. Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Cây nhót - 胡颓子. Còn gọi là cây lót, hồ đồi tử (Trung quốc). Tên khoa học Elaeagnus latifoila L. Thuộc họ Nhót (Elaeagnaceae).
Cây nhót tây - 枇杷葉 (枇杷叶). Còn có tên là phì phà (Cao Bằng), nhót Nhật Bản, tỳ bà diệp. Tên khoa học Eriobotrya japonica Lindl. Thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Tỳ bà diệp (Folium Eriobotryae) là lá khô của cây nhót tây hay tỳ bà.
Cây ổi - 番石榴. Còn gọi là ủi, phan thạch lựu, gouavier. Tên khoa học Psidium guyjava L. (P. pomiferum Linn. Psidium Pyriferum L.). Thuộc họ Sim (Myrtaceae).
Cây rau má - 積雪草 (积雪草). Còn gọi là tích tuyết thảo, phanok (Vientian), trachiek kranh (Campuchia). Tên khoa học Centella asiatica (L.) Urb., (Hydrocotyle asiatica L. Trisanthus cochinchinensis Lour.). Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
Cây rau má lá rau muống - 一點紅 (一点红). Còn gọi là hồng bối diệp, dương đề thảo, nhất điểm hồng, cây rau má lá rau muống cuống rau răm, tiết gà, tam tróc, rau chua lè, hoa mặt trời, lá mặt trời. Tên khoa học Emilia sonchifolia (L) DC. (Cacalia sonchifolia (L), Gunura caluculata DC.). Thuộc họ Cúc asteraceae (Compositae).
Cây râu mèo - 貓須草 (猫须草). Còn có tên gọi là cây bông bạc. Tên khoa học Orthisiphon stamineus Benth. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae). Ta dùng lá râu mèo (Folium Orthosiphonis) là lá và búp phơi hay sấy khô hoặc chế biến rồi phơi hay sấy khô của cây râu mèo hay bông bạc.
Cây rau ngót - 天綠香. Còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần (Trung Quốc). Tên khoa học Sauropus androgynus (L) Merr. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Cây ráy - 海芋. Còn gọi là cây ráy dại, dã vu. Tên khoa học Alocasia odora (Roxb) C. Koch. (Colocasia macrorhiza Schott). Thuộc họ Ráy (Araceae).
Cây rùm nao - 粗糠柴. Còn gọi là thô khang sài, kamala, camala, mọt. Tên khoa học Mallotus philippinensis (Lam.) Muell. Arg. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]