Giới thiệu sách

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cuộc đời và sự hoạt động của nhà dược liệu học lớn nhất của Việt Nam - Giáo sư Đỗ Tất Lợi

Nguồn tin:  Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Cập nhật: 14/12/2024 08:17 SA

IMG


Ông Đỗ Tất Lợi (1) là một trong những nhà hoạt động xuất sắc của y học khoa học hiện đại, người có khả năng bắc cầu giữa y học khoa học vĩ đại của châu á, nền y học Việt Nam.

Chú thích (1): Bản thân các tác giả đã có dịp gần gũi với ông Đỗ Tất Lợi khi ông sang thăm Leningrad và sau này trong dịp các tác giả công tác ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đồng thời với việc tiếp thu một nền giáo dục về dược học hoàn hảo, hiện đại, sau đó lại được hấp thụ những thành tựu của khoa dược học thế giới, ngay từ thuở nhỏ, Đỗ Tất Lợi đã rất kính trọng các thành quả văn hóa của nước mình, trong đó có nền y học cổ truyền là một bộ phận gắn liền khăng khít. Hiểu rất rõ thực tế đông y, được biết rằng qua hàng bao thế kỷ, đông y đã chữa bệnh cho nhân dân nước mình, với trình độ khá cao cho nên đối với đông y, ông có tấm lòng nhiệt tình của người dân yêu nước và tính công bằng không thiên vị của một nhà bác học chân chính.

Thu thập các tài liệu về cây thuốc của nền y học cổ truyền, ông đã làm công việc không phải của một nhà dân tộc học hoặc một nhà thực vật học mà đã tạo ra được một cơ sở khoa học chân chính.

Là một công dân của nước Việt Nam, ông Đỗ Tất Lợi đã không có thành kiến dân tộc, cái đó có thể làm tổn hại đến những gì thực sự có giá trị của bất kỳ nền y học cổ truyền nào khác, đồng thời ông cũng không có tư tưởng "sùng bái Âu tây" tư tưởng này cho đến nay đã ngăn cản một số người hoạt động y học khoa học trong việc sử dụng kho tàng phong phú của nền y học cổ truyền đã tích lũy được.

Đường đời của ông Đỗ Tất Lợi rất điển hình cho cuộc đời của một người con của một dân tộc đã nhiều năm đấu tranh vì tự do độc lập của mình. Ông sinh trong một gia đình làm nghề nông nghiệp tại làng Phù Xá tỉnh Vĩnh Phú vào ngày 1 tháng 2 năm 1919. Có thể nói rằng tính yêu thiên nhiên đất nước đã thể hiện ở ông Đỗ Tất Lợi ngay từ thời thơ ấu do ảnh hưởng của cha ông là ông Đỗ Văn Kiêm, một người rất say mê trồng trọt và đã đạt được những kết quả không nhỏ trong việc trồng các cây ăn quả, nhất là cây na - Anono squamosa L.

Chàng thanh niên 20 tuổi Đỗ Tất Lợi vào Trường đại học y dược Hà Nội. Vào thời đó, trước khi vào đại học phải qua học bậc tiểu học, sau đó là bậc trung học trong vòng 13 năm (trong các trường trung học và đại học, tất cả các môn đều dạy bằng tiếng Pháp), ông Lợi đầu tiên học ở Thái Bình, sau đó ở Phúc Yên, Hải Phòng và cuối cùng là ở Hà Nội.

Đồng thời với việc vào trường đại học năm 1939, ông Đỗ Tất Lợi bắt đầu làm học trò của cụ lang Lê Văn Sáp là người chữa gãy xương nổi tiếng. Ngay cả ở Hà Nội cũng phải mời cụ đi chữa những trường hợp khó khăn.

Theo thầy dạy, ông Đỗ Tất Lợi đi thu thập các cây thuốc và đi thăm các bệnh nhân.

Thời kỳ năm 1939 tới năm 1944, khi ông Đỗ Tất Lợi học tập tại Trường đại học y dược ở Hà nội, đó là thời kỳ không những học tập cần mẫn mà còn là thời kỳ nghiên cứu có mục đích rõ ràng. Nhà bác học trẻ tuổi kiên quyết đi theo con đường thâm nhập vào bí mật của đông y. Mọi thời gian rỗi ông đều để dành để đọc sách, nói chuyện với các thầy lang đông y.

Năm 1944, trước Cách mạng tháng Tám và tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông Đỗ Tất Lợi tốt nghiệp đại học và bắt đầu dốc những năng lực sẵn có cho công tác khoa học. Năm 1945, một tờ báo ở Hà Nội đã đăng bài báo đầu tiên của nhà bác học trẻ tuổi. Sau này, trong kháng chiến, bài báo đó được đăng lại trong tờ báo quân y. Trong bài báo, sau khi đã so sánh các thuốc của tây y và đông y, tác giả đã đi tới kết luận thuốc đông y rất quý giá và đặt vấn đề cần phải tổ chức lại công việc sản xuất thuốc men cho đất nước. Vào tháng 12 năm 1946, khi bắt đầu cuộc kháng chiến, ông Đỗ Tất Lợi đã ở trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam. Đề nghị của ông xây dựng các phòng thí nghiệm nhằm nghiên cứu và sản xuất thuốc bằng nguyên liệu địa phương (nhất là bằng các cây thuốc địa phương) trong hệ thống quân y đã được chấp nhận. Ông được giao nhiệm vụ tổ chức và đứng đầu những phòng thí nghiệm đó - sau này là phòng dược chính. Suốt trong thời kỳ kháng chiến, khi mà những người yêu nước Việt Nam phải sống trong rừng sâu và trên núi cao, ông Đỗ Tất Lợi một dược sĩ chính của quân đội đã thu thập không biết mệt mỏi những kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các thầy lang và đã chế nhiều thuốc cung cấp cho quân đội.

Trong giai đoạn này, một mặt ông đã nghiên cứu điều chế cao từ búp ổi Psidium guyava Lin. thay thế cho các dạng thuốc có tanin, chế tạo từ cây cà độc dược Datura metel L. thay thế cho thuốc belladona (Atropa belladona L.) mà Việt Nam không có, chế từ lá cây thường sơn Dichroa febrifuga Lam. là một loại thuốc chữa sốt rét.

Mặt khác, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm thấp, việc bảo quản thuốc men gặp rất nhiều khó khăn, ông Đỗ Tất Lợi đề ra phương pháp bảo quản các thuốc viên, giảm tỷ lệ hư hỏng (bị mốc) từ 50-60% xuống 3-5%. Lần đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam đã tìm thấy Mã tiền Strychnos sp. là nguyên liệu cơ bản để đều chế Strychnin của Việt Nam, tìm thấy ba gạc Rauwolfia verticillata (Lour.) Baill. để chế rauticil là một thứ thuốc phổ biến chữa cao huyết áp.

Hòa bình lập lại, ông Đỗ Tất Lợi giữ nhiệm vị tổ chức và đứng đầu Bộ môn dược liệu và thực vật của Trường đại học y dược Hà Nội (từ năm 1963 đã tách thành 2 trường riêng biệt), đồng thời làm cố vấn chuyên môn cho Công ty thuốc nam thuốc bắc và giảng dạy tại các Trường đại học tổng hợp Hà Nội và Trường đại học nông nghiệp v. v...

Trong ủy ban khoa học nhà nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông Đỗ Tất Lợi đứng đầu tiểu ban hóa thực vật và là phó tiểu ban thực vật đồng thời ông là trưởng ban dược liệu của Hội đồng dược điển Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông là một trong những người tổ chức và là người hoạt động tích cực của Hội Đông y, Hội dược học, là ủy viên ban chấp hành trung ương Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật. Đồng thời với những hoạt động sư phạm và phổ biến khoa học rộng rãi, nhiều mặt và sôi nổi, ông đã tổng kết 26 năm nghiên cứu cây thuốc đông y và đã hoàn thành một bộ sách dược liệu gồm 6 tập.


I. I. Brekman, A. F. Hammerman, I. V. Gruxvitxki và A. A. Iaxenkô-Khmêlepxki


Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn www.dotatloi.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Thủy tiên
05/05/2025 12:09 SA

- 水仙. Còn gọi là hoa thủy tiên. Tên khoa học Narcissus tazetta Linn. Thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae). Thủy tiên Narcissus do chữ Hy Lạp narkao là tê cóng, vì chỉ Narcissus thường gồm những cây có hương thơm, gây tình trạng sững sờ, tazetta do tiếng Ý ta...

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Mắc kẹn - 七葉樹 (七叶树). Còn gọi là bàm bàm, ma keyeng, may kho, marronier. Tên khoa học Aesculus sinenisis Bunge. Thuộc họ Bồ Hòn (Sapindaceae).
Mắc nưa - 柿油樹. Còn gọi là mặc nưa, mac leua (Cămpuchia). Tên khoa học Diospyros mollis Griff. Thuộc họ Thị (Ebenaceae).
Mạch ba góc - 蕎麥 (荞麦). Còn gọi là tam giác mạch, lúa mạch đen, kiều mạch, sèo (Lào Cai, Yên Bái). Tên khoa học Fagopyrum esculentum Moench. (Fagopyrum sagittatum Cilib). Thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Ta có thể dùng toàn cây nhưng chủ yếu là lá và hoa của mạch ba góc để làm nguyên liệu chiết rutin.
Mạch môn đông - 麥門冬. Còn có tên là mạch đông, cây lan tiên. Tên khoa học Ophiopogon japonicus Wall. Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Người ta dùng rễ củ phơi hay sấy khô (Radix Ophiopogoni) của cây mạch môn đông. Vì lá giống lá lúa mạch, về mùa đông lá vẫn xanh tươi nên gọi là mạch đông.
Mạch nha - 麥芽. Tên khoa học Maltum. Mạch nha chính thức là hạt lúa mạch Hordeum sativum Jess. var. vulgare Hack hoặc một loài Hordeum khác thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae) cho mọc mầm, rồi sấy khô ở nhiệt độ dưới 60 độ. Ở Việt Nam ta vì chưa có lúa mạch, vẫn dùng hạt thóc tẻ (thóc chiêm hay thóc mùa đều được) Oryza sativa L. var. utilissima cùng họ để ngâm cho nẩy mầm rồi phơi khô, gọi là cốc nha. Muốn có thóc nẩy mầm, chỉ cần đãi thóc sạch đất cát, ngâm nước cho ẩm, sau đó ủ kín, thỉnh thoảng tưới nước để giữ ẩm đều, sau vài ngày hạt thóc nảy mầm, khi nào một số mầm bắt đầu xanh thì lấy ra phơi nắng cho khô, để nguyên hoặc tán nhỏ, sãy hết trấu mà dùng.
Mai mực - 海螵鞘. Còn gọi là hải phiêu tiêu, mai cá mực, ô tặc cốt. Tên khoa học Sepia esculenta Hoyle, Sepiaandreana Steen-Strup. Thuộc họ Cá mực (Sepiidae). Ô tặc cốt - Os Sepiae là mai rửa sạch, phơi khô của con mực nang hay mực ván (Seppiaesculenta Hoyle) hoặc của con mực ống, mực cơm (Sepiidae) nhưng chủ yếu là mực nang hay mực ván vì mực cơm hay mực ống có mai nhỏ. Tên ô tặc vì theo cách sách cổ, con cá mực thích ăn thịt chim, thường giả chết nổi trên mặt nước, chim tưởng là xác chết, bay sà xuống để mổ, bị nó lôi xuống nước ăn thịt, ăn thịt nhiều quạ do đó thành tên vì ô là quạ, tặc là giặc, cốt là xương; ý nói xương của giặc đối với quạ. Tên hải phiêu tiêu vì vị thuốc giống tổ con bọ ngựa mà lại gặp ở ngoài bể (phiêu tiêu là tổ bọ ngựa).
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]