Giới thiệu sách

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Bào chế thuốc theo Đông y (Phần 01)

Nguồn tin:  Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Cập nhật: 12/12/2024 01:23 SA

IMG


Mục đích của phương pháp bào chế theo Đông y cũng giống như mọi phương pháp bào chế khác là:

    1. Làm cho vị thuốc tốt hơn lên bằng cách bỏ những bộ phận vô ích rơm rác, vỏ, hạt, .v.v. không có tác dụng.

    2. Giảm bớt hay loại bỏ độc tính của vị thuốc hay những chất không cần thiết đối với một loại bệnh nhất định.

    Ví dụ rang thảo quyết minh khi không muốn dùng tác dụng tẩy của nó; hay sao toan táo nhân để khi dùng có quá liều vẫn gây ngủ được, không là bệnh nhân bồn chồn, bứt rứt; hoặc loại bỏ hạt kinh anh có độc.

    3. Giúp cho sự bảo quản dễ dàng hơn.

    Ví dụ đối với những loại thuốc có tinh bột hay có chất men lâu ngày làm giảm tác dụng chữa bệnh của vị thuốc thì đem đồ lên trước khi phơi để diệt men hay để làm chín một phần tinh bột.

Nói chung, phương pháp bào chế theo Đông y cũng giống như bào chế Tây y nhưng có một số danh từ và cách làm hơi khác. Tuy nhiên do không được đào tạo tại một trường nào cho nên hiện nay bên cạnh cái đúng, hợp lý có lẫn nhiều phương pháp phức tạp, cầu kỳ, đượm màu sắc mê tín không cần thiết. Ở đây chúng tôi chỉ chú ý giới thiệu một số danh từ đặc biệt tương đối thống nhất của phương pháp bào chế đó.

Ta có thể phân phương pháp bào chế Đông y theo 3 loại: Dùng lửa; dùng nước; và phối hợp cả nước và lửa.

1. Phương pháp bào chế chỉ dùng lửa:

    Chủ yếu gồm các phương pháp sau đây:

    a) Nung (đoàn): Cho các vị thuốc trực tiếp vào lửa hồng hoặc cho vào một chảo đất hay chảo gang để mà nung.

    Phép này thường dùng đối với các vị thuốc khoáng vật như lô cam thạch, hay các vị thuốc và vỏ sò, vỏ hà như mẫu lệ, thạch quyết minh, .v.v.

    b) Vùi hay lùi (ổi): Bọc vị thuốc vào giấy ẩm hay bột hồ ẩm rồi vùi tất cả vào tro nóng hay lửa nhẹ cho đế khi giấy hoặc bột hồ khô và cháy đen, giống như ta lùi khoai khi luộc bánh chưng. Sau khi để nguội, bóc lớp giấy hay hồ đi mà dùng vị thuốc ở trong.

    Trong phép này, bột hồ hay giấy ẩm hút bớt một phần chất dầu của vị thuốc; ví dụ khi ta chế nhục đậu khấu, cam toại.

    c) Sao (rang): Cho vị thuốc vào nồi hay chảo gang, chảo đất, đung nóng và đảo đều. Phương pháp này hay dùng nhất; có khi sao vàng, có khi sao đen.

    Ví dụ: Bạch truật, mạch nha, hoài sơn sao vàng cho có mùi thơm; sơn tra, thần khúc, chi tử sao cháy đen có lẽ để dùng phần tham.

    Sao vàng hay sao đen đều phải giữ cho lửa đều; theo Đông y khi sao như vậy vị thuốc tăng mùi thơm sẽ dễ vào Tỳ Vị hơn, hoặc vì một số là hạt khi sao dòn dễ vỡ, lúc sắc thuốc dễ ngấm hơn. Những vị thuốc sao cháy thường với mục đích làm cho vị thuốc tăng thêm tính chất thu sáp nhưng sao cháy cần phải tồn tính nghĩa là tuy cháy đen, nhưng không được thành tro. Nếu thành tro tính chất của thuốc sẽ mất hết.

    d) Trích: Phép này rất hay dùng.

    Ví dụ người ta nói trích cam thảo.

    Trích là tẩm vào vị thuốc một chất gì mới khác, rồi mới đem sao hay nướng. Trích mật là vị thuốc tẩm mật rồi mới đem sao lên cho vàng. Trích khương là tẩm vị thuốc vào nước gừng rồi mới đem sao lên. Người ta còn trích tửu (rượu), giấm, trích hoàng thổ (đất mầu vàng), trích muối hay mỡ.

    e) Nướng: Hơ vị thuốc lên lửa cho đến khi khô, vàng, dòn. Khi nói bổi là có nghĩa dùng lửa mạnh hơn; hồng là dùng lửa nhẹ hơn.

2. Phương pháp bào chế chỉ dùng nước:

    Thường phương pháp bào chế dùng nước để làm cho vị thuốc mềm mại, dễ thái mỏng, hoặc làm cho vị thuốc được tinh khiết, bớt độc tính, bớt quá mạnh.

    Phương pháp dùng nước bao gồm: Rửa (tẩy), ngâm (phiêu), dội (bào), thủy phi.

    a) Rửa (tẩy): Là làm cho vị thuốc hết đất cát, bụi bẩn; không ngâm lâu.

    b) Ngâm (phiêu): Công việc này cũng như rửa nhưng thường kéo dài và phức tạp để làm cho vị thuốc hết mùi tanh, vị mặn; ví dụ ngâm hải tảo, côn bố.

    c) Dội còn gọi là bào: Là cho vị thuốc vào nước lã hay nước sôi trong một thời gian rồi bóc vỏ ngoài hay chờ cho vị thuốc mềm rồi đem bào thái.

    Ví dụ ngâm hạnh nhân, đào nhân cho vỏ nở rồi xát bỏ đi; sau đó cắt bỏ đầu nhọn.

    Chú ý đừng ngâm lâu quá, chất thuốc tan trong nước và tác dụng của thuốc bị giảm.

    Trong phương pháp này có khi người ta ngâm với nước gạo, nước gừng, nước bồ kết, ngâm rồi lại phơi, phơi rồi lại ngâm làm nhiều lần như vậy (ví dụ chế bán hạ).

    d) Thủy phi: Là thêm nước vào vị thuốc rồi cùng tán hay tán rồi cho vào nước khuấy lên để lắng, bột nhỏ lắng dưới, bột to nổi lên.

    Thường áp dụng khi chế hoạt thạch, chu sa, thanh đại.

3. Phương pháp phối hợp cả nước và lửa:

    Chủ yếu gồm có chưng (đồ), đun (chử), tôi (tốt), sắc (tiễn), cất.

    a) Chưng hay đồ: Là dùng cách thủy hay để vị thuốc vào một cái chõ dưới để nước mà đun cho đến khi chín.

    Ví dụ chưng sinh địa để chế thục địa. Chưng hà thủ ô với đậu đen.

    b) Đun (chử): Là cho vị thuốc vào nước lã hay vào nước ép một vị thuốc khác rồi đun sôi nhẹ cho thuốc chín hay chất của vị thuốc khác ngấm vào vị thuốc bào chế.

    c) Tôi (tốt): Là nung đỏ vị thuốc rồi nhúng ngay vào nước lã hay nước sắc một vị thuốc khác. Làm như vậy nhiều lần.

    Ví dụ nung lô cam thạch rồi nhúng ngay vào nước hoàng liên.

    d) Sắc (tiễn): Là cho thuốc vào nước, nấu kỹ và cô đặc. Chất thuốc tan vào nước, lấy nước bỏ bã đi.

    e) Cất: Là đun nước lấy hơi bốc lên, để ngưng đọng lại thành nước; như cất dầu bạc hà, long não, cất rượu.

    Trong những phương pháp nói trên, có khi người ta còn dùng giấm, rượu, nước muối, nước vo gạo, sữa, nước tiểu trẻ con để ngâm hay tẩm, trích nữa. Tất cả những phương pháp đó đều dựa vào lý luận Âm Dương Ngũ hành giới thiệu ở trên, hoặc có khi do kinh nghiệm.

    Chúng tôi cho rằng lúc đầu người ta dùng thuốc không có chế biến gì cả, dần dần do tình cờ hay tìm tòi, tìm ra những phương pháp độc đáo nhưng rồi truyền khẩu hay giữ bí mật nhiều quá cho nên đượm màu mê tín. Chúng ta cần tích cực nghiên cứu, kiểm tra lại.


Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn www.dotatloi.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

Mật đà tăng
06/07/2025 08:49 CH

- 密陀僧. Còn gọi là đà tăng, kim đà tăng, lô đê. Tên khoa học Lithargyrum. Mật đà tăng là tiếng Ấn Độ phiên âm. Nguyên là dư phẩm của việc chế biến bạc, thường thấy ở đáy lò nấu bạc.

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Niễng - 茭白. Còn gọi là cô mễ, giao cẩn, lúa miêu, của niễng, giao bạch tử. Tên khoa học Zizania latifolia Turcz, (Zizania aquatica L., Zizapia dahurica Steud, Hydropyrum latifolium Griseb., Limnochloa caduciflora Turcz.). Thuộc họ Lúa Poeceae (Gramineae). Cây niễng cho vị thuốc là giao bạch tử. Giao bạch tử (Fructsus Zizaniae) là quả cây niễng phơi hay sấy khô.
Niệt gió - 了哥王. Còn gọi là gió niệt, gió cánh, gió miết, gió chuột, liễu kha vương, lĩnh nam nguyên hoa, cửu tin thảo, sơn miên bì, địa ba ma, độc ngư đằng. Tên khoa học Wikstroemia indica C. A. Mey. (Wikstroemia viridiflora Meissn, Daphne cannabina Lour.). Thuộc họ Trầm (Thymeleaceae).
Nọc ong - 蜂毒. Nọc ong là một vị thuốc được nhân dân nhiều nước châu Á và châu Âu biết dùng từ lâu để chữa nhiều bệnh khác nhau. Nọc ong là sản phẩm của những tuyến đặc biệt trong cơ thể con ong, muốn dùng nọc ong trước đây người ta cho con ong đốt, hay có khi người ta uống con ong, gần đây người ta lấy nọc ong riêng rồi chế thành thuốc với những dạng khác nhau như nhũ dịch, dầu bôi có nọc ong, thuốc tiêm dưới da, di chuyển ion (ionphorese). Muốn lấy nọc ong hàng loạt, người ta thường kích thích con ong bằng cách giết chết một con ong, đặt lên một màng mỏng có dòng điện, khi những con ong khác đậu vào bị dòng điện kích thích sẽ "đốt " màng mỏng. Nọc chảy ra người ta hứng lấy để chế thuốc.
Núc nác - 千張紙 (千张纸). Còn gọi là so đo thuyền, lin may, mộc hồ điệp, ung ca (Lào-Viêntian), k'nốc (Buônmêthuột), nam hoàng bá, hoàng bá nam, thiêu tầng chỉ, bạch ngọc nhi, thiên trương chỉ (Vân Nam) triểu giản (Quảng Tây). Tên khoa học Oroxylum indicum (L.), Vent (Bignonia indica L., Calosanthes indica Blume). Thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae). Cây núc nác cung cấp cho ta hai vị thuốc: (1) Vỏ núc nác (Cortex Oroxyli) là vỏ thân phơi hay sấy khô của cây núc nác; (2) Hạt núc nác (Semen Oroxyli) là hạt phơi hay sấy khô của cây núc nác. Hạt núc nác làm thuốc có tên mộc hồ điệp (mộc là gỗ, cây; hồ điệp là con bướm) vì hạt trông giống như con bướm bằng gỗ.
Nước bọt - 唾液. Còn gọi là nước dãi, nước miếng, thần thuỷ (nước thần), quỳnh dịch (nước ngọc), ngọc tương (nước ngọc), kim tân gọc dịch, quỳnh dịch dưỡng sinh pháp (phép dưỡng sinh bằng nước bọt). Tên khoa học Saliva.
Nước tiểu - 人尿. Còn gọi là đồng tiện, nhân niệu, luân hồi tửu, hoàn nguyên thang. Tên khoa học Urina Hominis. Trong những tên khác nhau tên đồng tiện chỉ dành chỉ nước tiểu của trẻ em, thường là của trẻ em trai, dưới 12 tuổi, mạnh khỏe. Nhưng trong những tài liệu cổ, ngoài nước tiểu trẻ em ra, người ta dùng cả nước tiểu người lớn với tên nhân niệu (nước tiểu của người lớn). Rồi vì không coi nước tiểu của người lớn là chất cặn bã do người thải ra, mà là vị thuốc quý nếu biết dùng nên mới gọi là luân hồi tửu (thứ rượu uống vào, thải ra lại uống vào), hoàn nguyên thang (thang thuốc đưa trở về cội nguồn). Trong 24 giờ, hai quả thận lọc được từ máu 180 lít nước (gấp 3 lần trọng lượng cơ thể 50kg). Nếu không đưa lượng nước ấy (trong đó có chất muối và nhiều chất khoáng vô cùng cần thiết cho cuộc sống của con người) thì con người sống sao nổi. Cho nên một phần lớn nước đó được đưa trở lại nuôi cơ thể, còn một phần thải ra dưới dạng nước tiểu, mồ hôi, ...
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]